Nghiên cứu thị trường mua sắm trực tuyến - Sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng
Trong kinh doanh nói chung và kinh doanh thời trang nói riêng, “công tác” nghiên cứu thị trường rất quan trọng. Thông qua quá trình nghiên cứu thị trường, người kinh doanh thu thập, phân tích thông tin về xu hướng hiện hành, các sản phẩm, dịch vụ thời trang đang được ưa chuộng,... Từ đó có thể xác định rõ khách hàng tiềm năng, hiểu rõ khách hàng hiện tại và đặt ra được các mục tiêu thực tế cho hoạt động kinh doanh. Đồng thời làm cơ sở để giải quyết những thách thức phải đương đầu và chuẩn bị cho sự mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, của người kinh doanh.
Trong những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm trực tuyến tăng cao, nhất là hành vi mua sắm trên các sàn TMĐT. Dự đoán thời gian tới, xu hướng này tiếp tục tăng và trở nên phổ biến hơn. Để không bỏ lỡ “làn sóng” này và tìm kiếm cho mình cơ hội kinh doanh mới, mời bạn tham khảo một số báo cáo nghiên cứu dưới đây:
Báo cáo được thực hiện bởi Q&Me - dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam
Bài báo tổng hợp của Tạp chí công thương - Kết quả nghiên cứu Xu hướng hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam
4 Xu hướng hành vi mua hàng trực tuyến cụ thể tính đến năm 2023
- Xu hướng mua hàng trực tuyến gia tăng
“Người tiêu dùng Việt Nam đang áp dụng những cách thức mua hàng mới, đặc biệt là ở các đô thị loại 1. Năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu người, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Có 73% người tiêu dùng cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm TMĐT và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Theo báo cáo mới đây của Ninja Van (hãng vận chuyển hàng đầu tại thị trường tại Đông Nam Á), Việt Nam đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines.”
- Xu hướng tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu:
Con người có ý thức về sức khỏe hơn nên cũng có xu hướng mua các mặt hàng thiết yếu và tập trung vào bồi dưỡng sức khỏe.
- Xu hướng tìm hiểu kỹ sản phẩm thông qua đọc review
Vì mua hàng online trên sàn TMĐT, trên các nền tảng mạng xã hội, người mua hàng sẽ cảm thấy tin tưởng và dễ dàng mua hàng hơn khi nhìn thấy “hình ảnh thực tế” của sản phẩm từ những khách hàng mua trước. Vậy nên cũng đã có rất nhiều người kinh doanh thời trang “đầu tư” để nhận được những feedback chất lượng của khách hàng và “trưng bày ở đầu trang”, vị trí nổi bật nhất giúp cho những khách hàng tiếp theo có thể theo dõi dễ hơn và tăng tỷ lệ “chốt đơn” hàng.
“Review là yếu tố có ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất đến hành vi mua hàng của khách, vượt qua cả những yếu tố quan trọng khác như free shipping, brand, giá, ý kiến từ gia đình và bạn bè. Ngày nay, 99% người tiêu dùng sẽ đọc review trước khi mua sắm online, trong đó có 61% luôn luôn đọc review, và hơn 1/3 đọc review thường xuyên.”
- Xu hướng lựa chọn những sản phẩm “dễ dàng” khi tìm hiểu và thao tác mua
Người mua sắm cũng đang có xu hướng sử dụng các thiết bị quen thuộc truy cập vào các trang điện tử mua hàng. Và các trang đó phải giúp người mua dễ dàng thao tác tìm thấy sản phẩm cần thiết và tiến hành thanh toán. Bạn cứ hình dung như điểm UX, UI của trang web đó phải đạt điểm tối ưu nhất.
Cụ thể là: “Những trải nghiệm khách hàng có được từ đầu đến cuối quy trình mua hàng được toàn diện hóa tại Website, để khách hàng có thể thu thập được toàn bộ thông tin và có được trải nghiệm 100% mà không mất thời gian đi tìm kiếm thông tin ở những Website khác. Đồng thời, việc khách hàng dễ dàng thao tác trên ứng dụng điện thoại sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Có 57% khách hàng sẽ không có sự hài lòng cao về doanh nghiệp có trang Website được thiết kế và hiển thị kém trên thiết bị di động. Theo khảo sát từ Stat Counter, 52% tổng lưu lượng truy cập Internet trên máy tính để bàn/ laptop sẽ giảm đi so với việc sử dụng thiết bị di động để thực hiện hành vi mua sắm, gửi phản hồi,…”
Báo cáo mức độ sử dụng và phổ biến của các sàn TMĐT (2023)
Nghiên cứu ở khu vực thành thị HN và HCM từ 18 - 39 tuổi:
- Shopee là sàn thương mại điện tử phổ biến và được người tiêu dùng Việt sử dụng nhiều nhất.
- Người tiêu dùng Việt lựa chọn giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sàn thương mại điện tử, Shopee và Lazada là hai sàn được lựa chọn nhiều nhất dựa trên yếu tố đó.
- Người Việt thường sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến khi mua các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, cụ thể họ lựa chọn các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
- Shopee được người tiêu dùng Việt lựa chọn khi mua sắm các sản phẩm về chăm sóc sắc đẹp, thời trang và Mẹ và Bé. Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh là các cửa hàng được lựa chọn khi mua các sản phẩm IT, thiết bị nhà cửa và thực phẩm.
Một số những báo cáo khác về sở thích và thói quen mua sắm thời trang
(Mang tính chất tham khảo thời 2014 - 2017)
Khảo sát nam/nữ trên 18 tuổi đã mua hàng thời trang trực tuyến:
- Những người 30-39 tuổi mua sắm thời trang trực tuyến thường xuyên hơn với 60% số người mua hàng mỗi tháng.
- 100,000 - 500,000 đồng là khoảng chi phí thông thường nhất họ dành cho mỗi lần mua sắm thời trang trực tuyến.
- Những người 30-39 tuổi mua sắm trực tuyến chủ yếu bởi vì sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm trong khi phân khúc những người 10-19 tuổi và 20-29 tuổi lựa chọn mua sắm trực tuyến chủ yếu vì giá rẻ.
- Giá cả (75%) và chất lượng (73%) là 2 nhân tố được quan tâm nhiều nhất khi mua sắm thời trang trực tuyến.
- 87% mua sản phẩm thời trang trực tuyến từ các trang Facebook.
Nhóm người 18-39 trên toàn quốc
- Nhóm nữ giới và người có thu nhập hộ gia đình từ 9 triệu trở lên có hứng thú hơn với thời trang.
- Nhìn chung, các cửa hàng quần áo được sử dụng nhiều nhất sau đó là kênh siêu thị. Nhóm người có thu nhập cao hơn có xu hướng mua đồ tại nhiều địa điểm khác nhau.
- 46% chi tiêu dưới 300K mỗi tháng hoặc ít hơn.
- Addidas, ZARA và Nike là top 3 thương hiệu được yêu thích.
- Giá thành là yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định mua, sau đó là thiết kế và chất lượng.
- Nữ giới và thu nhập cao có tỉ lệ cao hơn trong nhóm người yêu thích mua sắm thời trang.
- 63% mua hàng thời trang online trong khi nhóm bán hàng thời trang online là 14%.
- Sự đa dạng về sản phẩm là lý do chính khiến nhóm người trên mua hàng online.
Trên đây là một số những thông tin hữu ích về nghiên cứu thị trường “Sự thay đổi trong thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam”. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn và đừng quên theo dõi T4T.VN để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nữa nhé.